Làm giàu từ nghề nuôi rắn hổ hèo


Rắn hổ hèo hay còn gọi là rắn ráo trâu, long thừa, hổ vện, thuộc họ rắn hổ, đây là loài rắn nằm trong sách đỏ Việt Nam. Tuy là loài rắn hổ nhưng rắn hổ hèo không có nọc độc. Do có phẩm chất thịt ngon, bổ dưỡng, đặc biệt là có nhiều công dụng trong y học , nên nhu cầu tiêu thụ loài rắn này trên thị trường khá lớn. Chính vì vậy mà nghề nuôi rắn hổ hèo đang được nhiều hộ dân ở các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. Riêng tỉnh An Giang được biết đến là địa phương có nhiều nông hộ phát triển mô hình nuôi rắn hổ hèo theo hình thức trang trại.

          Một trong những người tiên phong phát triển nghề nuôi rắn với quy mô lớn ở An Giang là anh Nguyễn Hoàng Quốc Việt ở ấp Sa Tô, xã Khánh Bình huyện An Phú. Với hơn 100 rắn bố mẹ, mỗi năm trang trại này cung cấp cho thị trường gần một ngàn rắn con và rắn thương phẩm, Với giá bán rắn thịt dao động từ 600.000 đến 800.000đ/kg, mỗi năm mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng cho người nuôivới diện tích chỉ hơn 100m2.

          Xã Khánh Bình là địa phương thuộc vùng biên giới của huyện An Phú. Thu nhập của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa và nuôi trồng thủy sản. Sinh ra và lớn lên cùng với những khó khăn của một địa phương vùng sâu, vùng xa, anh Nguyễn Hoàng Quốc Việt đã sớm nhận ra rằng, nếu chỉ dựa vào những ngành nghề truyền thống của địa phương thì rất khó phát triển kinh tế gia đình. Do đó, anh đã chủ động tìm hiểu nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mới để mang về áp dụng ở địa phương.

       Sau nhiều lần thử nghiệm, thấy được đặc điểm của địa phương thích hợp với nghề nuôi động vật hoang dã, anh quyết định thử nghiệm nhiều loại vật nuôi đang có nhu cầu tiêu thụ cao. Vào năm 2009, anh quyết định đầu tư quy mô lớn để nuôi rắn ri voi. Và một năm sau đó là bắt tay vào đầu tư, thành lập trang trại nuôi rắn hổ hèo.

          Nuôi rắn hổ hèo đã xuất hiện ở An Giang cách đây hơn 05 năm. Tuy nhiên, trước đây do chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc nuôi trong hầm tối nên hiệu quả mang lại chưa cao. Thấy được những hạn chế này, ngay từ khi bắt tay vào nghề nuôi rắn, anh Nguyễn Hoàng Quốc Việt đã có ý định mở trang trại để khắc phục những nhược điểm của các hộ nuôi trước đây. Chính từ suy nghĩ này đã giúp anh nhanh chóng thành công mặc dù chỉ bắt tay vào nghề mới hơn hai  năm.

          Theo anh Việt, rắn hổ hèo tuy dễ nuôi nhưng muốn đạt hiệu quả cao, người nuôi phải nắm vững các kỹ thuật cơ bản như thiết kế chuồng nuôi, lựa chọn con giống, nguồn thức ăn, khâu chăm sóc, vệ sinh chuồng trại. Từ những kinh nghiệm học hỏi của những trang trại ở Tây Ninh, anh chọn phương pháp thiết kế chuồng bằng lưới, nền đất có tráng một lớp cát để dễ dàng chăm sóc, vệ sinh chuồng trại. Với cách làm này, sẽ giúp anh dễ dàng theo dõi tình hình phát triển của đàn rắn, đồng thời gia tăng mật độ nuôi trên một đơn vị diện tích. Kiểu thiết kế chuồng này còn có một ưu điểm là làm cho đàn rắn thân thiện hơn với người nuôi, từ đó khâu chăm sóc được thực hiện thuận lợi hơn.

           Nguồn thức ăn là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của nghề nuôi rắn hổ hèo. Do có sức lớn rất nhanh nên nhu cầu thức ăn của rắn rất cao. Tùy theo giai đoạn sinh trưởng mà nguồn thức ăn cho rắn cũng khác nhau. Trong giai đoạn rắn nhỏ, nguồn thức ăn chủ yếu là nhái con. Khi nuôi được khoảng 06 tháng có thể sử dụng những loại mồi lớn như cóc, ếch, chuột tùy theo điều kiện thực tế. Nhờ nguồn thức ăn tại địa phương khá dồi dào nên đàn rắn của anh Việt phát triển rất tốt. Sau một năm tuổi, trong lượng bình quân mỗi con đạt từ 1,4-1,7 kg.

          Ngoài nguồn thức ăn thì con giống cũng là một trong những cái khó để phát triển nghề nuôi rắn hổ hèo. Thấy được điều này, anh Việt đã chủ động học hỏi và tích lũy kinh nghiệm để nuôi dưỡng rắn sinh sản. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong nghề nuôi rắn hổ hèo của anh. Rắn sau một năm tuổi là bắt đầu sinh sản. Tuy khả năng sinh sản tự nhiên của rắn khá tốt nhưng để nuôi dưỡng rắn con thành công, anh phải chủ động nguồn thức ăn cho rắn con, cũng như thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của rắn con để có biện pháp xử lý kịp thời. Hiện nay, nguồn rắn giống sản xuất hàng năm không chỉ đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của trang trại mà còn có một sản lượng đáng kể cung cấp cho những hộ chăn nuôi khác.

anh Nguyễn Hoàng Quốc Việt

          Ngoài việc tự tìm tòi, học hỏi gia tăng kiến thức, kinh nghiệm trong nghề nuôi rắn, anh Nguyễn Hoàng Quốc Việt cũng rất chú trọng đến việc tìm hướng phát triển cho trang trại của mình. Theo anh, nếu chỉ chú trọng phát triển sản xuất mà không gắn với nhu cầu thực tế của thị trường thì rất khó phát triển bền vững. Do đó, anh thường xuyên tìm hiểu các thông tin về kỹ thuật chăn nuôi, tình hình phát triển cũng như nhu cầu tiêu thụ rắn hổ hèo ở thị trường trong và ngoài nước. Hiện anh đã thành lập một trang Web dành riêng cho trang trại của mình.

          Trung Hiếu

Bình luận về bài viết này