Tiền Giang: Một mô hình nuôi động vật hoang dã xuất khẩu có triển vọng


Chỉ hơn 1.000 m2 đất chăn nuôi, nhưng đạt doanh thu mỗi năm hơn 500 triệu đồng; đây là mô hình nuôi động vật hoang dã xuất khẩu có triển vọng của ông Đoàn Văn Thanh ở ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang – một nông dân đem thú rừng về đồng ruộng cho nguồn thu nhập cao.

Gia đình ông Thanh chỉ có khoảng 1.500 m2 đất thổ cư; ngoài diện tích nhà ở là 500 m2, số diện tích còn lại là chuồng trại nuôi động vật hoang dã.

Tuy mới 2 năm đầu tư chăn nuôi, nhưng hiệu quả mang lại từ mô hình này rất đáng kể. Hiện tại, trang trại ông Thanh đang nuôi hơn 300 con kỳ đà, 1.400 con rắn ri voi, 2.000 con rắn hổ vện, 140 con chồn hương và nhiều loại động vật hoang dã khác như: lươn, ếch, cá sấu…

Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật nên đa số các vật nuôi của ông đều cho sinh sản. Hai năm qua, từ nguồn bán giống đã đem lại nguồn thu lớn cho gia đình. Hiện nay, giá kỳ đà con ông bán ra trên 400 ngàn đồng/kg, rắn ri voi giá 360 ngàn đồng/kg, rắn hổ vện giá 430 ngàn đồng/kg… Các loại động vật hoang dã, quý hiếm, giá rất cao, nhưng do hiệu quả kinh tế nên nhiều người dân xa, gần tìm đến trại chăn nuôi của ông Thanh mua giống. Hiện nay, nhiều loại con giống như kỳ Đà, rắn ri voi, lươn… ông Thanh không có đủ để bán cho khách hàng, phải đến đặt hàng trước một tháng mới có được con giống.

Đối với các loại động vật thương phẩm này, gia đình ông kết hợp với các hộ nuôi khác đưa đi xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, có thể nói ở thời điểm này, đầu ra các loại động vật hoang dã mà người nông dân này nuôi rất thuận lợi. Qua 2 năm, gắn bó với mô hình gia đình ông đã có nguồn thu gần 1 tỷ đồng. Ông Đoàn Văn Thanh cho biết: “Lúc đầu mình chưa biết kỹ thuật nên nuôi rất khó, nhưng dần dần rồi thấy đơn giản cũng như các loại vật nuôi khác thôi. Hiệu quả kinh tế động vật hoang dã thì cao hơn nuôi bò, nuôi heo nhiều, vả lại mô hình này tận dụng diện tích đất rất ít”.

Do đất đai ít nên trước đây gia đình ông Thanh chỉ sống dựa vào nghề chăn nuôi heo và bò. Mô hình này không ổn định do giá cả heo và bò bấp bênh. Biết nhà nước cho phép nuôi động vật hoang dã và mô hình này kinh tế cao nên gia đình ông đầu tư nuôi. Lúc đầu đồng vốn, kỹ thuật còn hạn chế nên ông nuôi ít. Sau khi bán được giống có nguồn vốn khá, ông nhân rộng dần. Đến nay, gia đình ông có 2 trang trại nuôi động vật hoang dã, trong đó có một trang trai chăn nuôi quy mô lớn tại huyện Hóc Môn (thành phố Hồ Chí Minh). Để nuôi đạt hiệu quả cao, anh Đoàn Kim Sơn – người con trai lớn của ông cũng là kỹ sư chăn nuôi đã tích cực nghiên cứu, tìm tòi các biện pháp chăn nuôi, phòng bệnh cho đàn vật nuôi, nghiên cứu cho động vật sinh sản. Hiện nay, mô hình nuôi động vật hoang dã của ông Đoàn Văn Thanh ở xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, đã được nhiều người biến biết. Các ngày thứ bảy, chủ nhật rất đông nhà nông đến tham quan, tìm hiểu, học hỏi để áp dụng mô hình này. Anh Lê Công Bình, nông dân xã Tân Hương, huyện Châu Thành cho biết:“Nghe ông Thanh nuôi động vật hoang dã kinh tế cao nên tôi đến tìm hiểu. Tôi dự định sẽ mua con giống ở đây về nuôi”.

Trang trại nuôi động vật hoang dã của ông Đoàn Văn Thanh đã được Chi Cục kiểm lâm tỉnh Tiền Giang cấp phép chăn nuôi. Khi xuất bán hay nhập con giống, ông đều xin giấy phép ngành chức năng, công tác bảo vệ an toàn, vệ sinh phòng bệnh được quan tâm, chú trọng. Hiện tại, gia đình ông đang mua thêm đất và đầu tư chuồng trại mở rộng mô hình. Ông cho biết: “Nuôi động vật hoang dã là mô hình mới có triển vọng, nhất là thị trường xuất khẩu hút hàng. Trong thời gian tới, tôi sẽ nhân rộng mô hình để cung cấp giống cho nhiều người cùng nuôi và thu mua lại các động vật thương phẩm để đưa đi xuất khẩu, đảm bảo đầu ra thu nhập ổn định cho người chăn nuôi”.

Bài, ảnh: Chu Trinh

Bình luận về bài viết này